Thận trọng hệ thống an toàn chủ động ADAS khi trời mưa

Khi điều kiện xấu, camera và cảm biến của hệ thống an toàn chủ động có thể bị cản tầm nhìn, khiến hệ thống không hoạt động như thiết kế.
Thận trọng hệ thống an toàn chủ động ADAS khi trời mưa

Hồng Nhung (TP HCM) lái xe trên đường vào buổi tối trong một ngày mưa giông lớn làm giảm tầm nhìn. Bất ngờ, màn hình trên kính lái (HUD) hiện lên chữ "BRAKE" và âm thanh cảnh báo liên tục, sau đó xe phanh đứng lại trong khi phía trước không có bất kỳ vật cản nào.

"Tôi đã gặp nhiều lần xe tự phanh vào trời khô ráo, và công nghệ hoạt động lần nào cũng chính xác. Nhưng lần này chẳng có vật cản gì xe vẫn tự phanh. Tôi chỉ sợ mưa lớn, tầm nhìn giảm khiến các xe phía sau không phản ứng kịp đâm vào xe tôi", Nhung kể lại.

Thực tế không chỉ Nhung mà nhiều tài xế sử dụng xe có các công nghệ ADAS (công nghệ an toàn thông minh sử dụng camera, radar) từng gặp các tình huống "phản chủ" như vậy. Khánh Hưng (Hà Nội) thì ngược lại Nhung, là gặp vật cản nhưng xe không phản ứng được.

Tính năng phổ biến nhất của ADAS là tự động phanh khi phía trước có vật cản và tài xế không phản ứng kịp thời. Một nghiên cứu từ Viện nghiên cứu an toàn giao thông quốc gia Mỹ IIHS (Insurance Institute for Highway Safety), cho thấy các xe trang bị hệ thống cảnh báo va chạm và hỗ trợ phanh khẩn cấp tự động có thể giảm thiểu một nửa tỷ lệ tai nạn tông xe phía trước.

Ngoài ra, trong gói hỗ trợ an toàn chủ động còn có các tính năng thường gặp khác như hỗ trợ giữ làn đường, chuyển làn, cảnh báo điểm mù, ga tự động thích ứng... Đây là tính năng hỗ trợ tài xế nhận biết rõ những vật cản, nguy hiểm tiềm tàng xung quanh, qua đó khiến việc lái xe trở nên an toàn và dễ dàng hơn. Tuy nhiên, vào mùa mưa, hệ thống cảnh báo an toàn chủ động có thể không hoạt động đúng như thiết kế của nhà sản xuất, theo một nghiên cứu từ Hiệp hội xe hơi Mỹ AAA (American Automobile Association).

Các hệ thống an toàn chủ động trên ôtô chủ yếu dùng các camera, cảm biến, radar để "nhìn" và đánh giá điều kiện mặt đường, vạch kẻ, vật thể xung quanh xe. Do đó, điều kiện thời tiết xấu, ví dụ như mưa lớn, bão tuyết, sương mù... sẽ ít nhiều làm ảnh hưởng đến hệ thống, ví dụ như mưa lớn khiến camera không còn quan sát được mặt đường, hoặc bùn đất che phủ bề mặt cảm biến.

AAA đã thực nghiệm trên 4 mẫu SUV đời 2020 có trang bị hệ thống an toàn chủ động, bao gồm Buick Enclave, Hyundai Santa Fe, Toyota RAV4 và Volkswagen Tiguan, để hiểu rõ hơn về việc thời tiết làm ảnh hưởng đến tính năng an toàn này như thế nào. Kết quả cho thấy các xe có trang bị phanh khẩn cấp tự động không xảy ra va chạm trong điều kiện thời tiết tốt. Tuy nhiên, khi trời mưa, tỷ lệ va chạm với xe phía trước là 17% khi di chuyển 40 km/h, 33% khi di chuyển 56 km/h.

Với thử nghiệm giữ làn tự động, trong điều kiện tối ưu, tỷ lệ xe cán lên làn đường là 17%. Khi trời mưa, tỷ lệ này tăng mạnh lên mức 69%.

Ngoài ra, AAA cho rằng việc lái xe khi gương lái bị bẩn vì bùn đất, xác bọ bám lên không làm giảm hiệu năng của hệ thống an toàn chủ động, vì đa số gạt mưa sẽ lau sạch phần kính lái, nơi có gắn camera.

Chính vì thế, khi thời tiết xấu, các tài xế nên lái một cách cẩn trọng hơn và nên tự chủ động mọi thứ, thay vì phó mặc cho hệ thống an toàn chủ động. Ngoài ra, tài xế cũng nên tham khảo kỹ sách hướng dẫn sử dụng để tìm hiểu các trường hợp hệ thống an toàn chủ động sẽ không hoạt động tốt.

Cuối cùng, AAA đưa ra những lời khuyên để giúp hệ thống an toàn chủ động trên xe luôn hoạt động tối ưu nhất, bao gồm giữ sạch kính lái và các cảm biến bên ngoài xe. Nếu tài xế không nhìn rõ mọi thứ phía trước, khả năng cao hệ thống camera cũng không nhìn rõ như vậy. Bên cạnh đó, nên hạn chế dùng ga tự động thích ứng khi trời đang mưa.

(Theo VNExpress)

Chia sẻ
Tags

Có thể bạn quan tâm