Lịch sử Nissan Patrol

Nhắc đến những chiếc xe địa hình huyền thoại đến từ Nhật Bản, ngoài Land Cruiser, Pajero, thì không thể thiếu Nissan Patrol.
Lịch sử Nissan Patrol

Nissan Patrol cũng bắt đầu được phát triển ở thời điểm năm 1951, cùng thời điểm với Land Cruiser, cũng là thời điểm được đánh dấu sự ra đời của những chiếc SUV đầu tiên của thế giới.

Trong quá trình phát triển các thế hệ, Nissan Patrol đều có các phiên bản trục cơ sở ngắn với 3 cửa và trục cơ sở dài với 5 cửa.

Thế hệ thứ nhất - Patrol 4W60 (1951)

Tương tự như những chiếc xe dẫn động 4 bánh huyền thoại khác ở Nhật, xuất phát điểm của Nissan Patrol cũng dưới hình dạng của một chiếc xe Jeep, gọi là Nissan Jeep.

nissan jeep.png

Patrol 4W60 series có thiết kế dẫn động 4 bánh bán thời gian, tuy chủ yếu bán ở thị trường nội địa Nhật Bản nhưng ngay từ thế hệ đầu, nó cũng đã từng được xuất khẩu sang Nga và Nam Phi.

Thế hệ đầu tiên của Nissan Patrol gồm có các nâng cấp 4W61, 4W65, 4W66. Dòng xe chuyên dụng cứu hỏa thêm chữ “F” đằng trước các ký hiệu đó.

nissan 4w61.png

Phiên bản chuyên chở lính Nissan Carrier 4W70/72/73 lại dựa trên mẫu của Dodge M37, sử dụng khung gầm của M37 nhưng hệ thống truyền động là của 4W60, sử dụng động cơ Nissan NC và Nissan P.

Các dòng xe Patrol thế hệ này đều trang bị hộp số 4 cấp. Sự thành công của động cơ Nissan P cũng đã giúp cho Nissan mở rộng thị trường sang Úc ở thế hệ tiếp theo.

Thế hệ thứ hai - Patrol 60 (1959)

Thế hệ thứ hai của Nissan Patrol hay Datsun Patrol đánh dấu mốc son khá lớn cho nhà Nissan, thứ nhất là nhờ dòng động cơ Nissan P nó đã được mở rộng thị trường tại Úc, thứ hai là sự kiện chiếc xe Nissan Patrol G60 là chiếc xe đầu tiên vượt qua được sa mạc Simpson (Úc).

sprigg family pasing simpson desert

Sự kiện vượt sa mạc Simpson được thực hiện bởi gia đình Sprigg gồm có 2 vợ chồng và 2 đứa con vào năm 1962, và cũng là lần thứ 2 con người vượt sa mạc này (lần đầu được đại úy Ted Colso thực hiện vào năm 1936 cùng với dân bản địa Úc). Vào năm 2012, trong dịp kỷ niệm 50 năm ra đời Nissan Patrol, hãng đã thực hiện lại sự kiện này trên dòng xe Patrol mới Y62.

Thế hệ Patrol 60 có nhiều phiên bản khác nhau như mui mềm, mui cứng, pickup, van, cứu hỏa…với các trang bị hộp số 3 cấp hoặc 4 cấp.

  • patrol2 hard.png
  • patrol2 soft.png

Vào khoảng những năm 1969, nhà máy quân đội Jabalpur của Ấn Độ cũng bắt đầu lắp ráp mẫu xe Nissan Patrol với tên gọi khác là Jonga P60 (cái tên này viết tắt của cái cụm từ khá là dài dòng, mình xin không đọc cho anh em đỡ mất công nghe). Tuy nhiên, dòng xe này lại sử dụng động cơ dầu Hino 4.0L, bán cho dân sự nhưng giá cả thiếu cạnh tranh, mẫu mã lại không khác biệt, nên số lượng bán ra nhỏ giọt, đến năm 1990 thì dẹp tiệm.

Thế hệ thứ ba - Patrol 160 (1980)

Bắt đầu từ thế hệ này, tùy theo thị trường thì Nissan Patrol còn có tên gọi khác là Datsun Patrol, Ebro Patrol (Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha), tại quê nhà Nhật Bản tên của nó chính thức là Nissan Safari, thị trường Trung Quốc phức tạp hơn, mỗi thế hệ là một trên khác nhau, thế hệ này có tên là Sanxing Desert King.

Trong khi hầu hết các phiên bản ở thế hệ này trang bị hộp số sàn 4 cấp, thì bản trục cơ sở dài có thêm tùy chọn trang bị hộp số tự động 3 cấp. Về hệ thống khung treo thì Patrol 160 được trang bị hệ thống khung treo nhíp, và cũng có các tùy chọn về sàn, nội thất, thậm chí những trang bị hạng sang như trợ lực lái, điều hòa không khí.

safari160.png

Tuy nhiên đến năm 1986, sau một đợt nâng cấp nhẹ (ít được nhắc trong tài liệu) thì các trang bị như hộp số 5 cấp, 6 cấp, trợ lực lái trở thành trang bị tiêu chuẩn của Nissan Patrol.

Cũng từ thế hệ này, cái tên Datsun không còn gắn liền với Patrol nữa.

Với việc sở hữu gần 39% cổ phần Motor Ibérica, năm 1983, Nissan Patrol được sản xuất tại Zona Franca gần Barcelona và thương mại ở hai thị trường Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha với tên gọi Ebro Patrol

Patrol 260

Năm 1986, Ebro Patrol có một đợt nâng cấp với mặt tản nhiệt tương tự với dòng Y60, dòng này bán rất chạy và được thương mại đến tận năm 2002 ở thị trường nội địa Tây Ban Nha.

ebro patrol 1986.jpeg

Dakar Rally 1987

Năm 1987 có một sự kiện quan trọng tại giải đua Dakar Rally băng qua sa mạc Sahara. Nissan Patrol là chiếc xe đầu tiên sử dụng động cơ diesel trong top 10 xe đã hoàn thành cuộc đua, đứng vị trí thứ 9. Ngày nay, tất cả những chiếc xe đứng top đều dùng động cơ diesel.

fanta-limon.png

Phiên bản trong giải đua là phiên bản đặc biệt, trục cơ sở ngắn, động cơ 2.8, 146 mã lực.Tên gọi của nó là Nissan Patrol Fanta Limon. Năm 2016, nhóm kỹ sư của Nissan Barcelona đã phục hồi lại chiếc xe để kỷ niệm 30 năm.

Thế hệ thứ tư - Patrol Y60 (1987)

Về mặt cơ khí thì thế hệ Nissan Patrol thứ 4 này hoàn toàn khác biệt so với các thế hệ tiền nhiệm của nó, hệ thống khung treo nhíp lá đã được thay thế bằng khung treo lò xo, giúp cho việc xử lý mặt đường gồ ghề trở nên êm ái hơn, việc vận hành đường trường cũng mang lại sự dễ chịu hơn, đương nhiên đây cũng là yếu tố đánh đổi khả năng off-road.

Trước thời kỳ 1987, Nissan Patrol luôn bị coi là đứng sau Land Cruiser vì LC cực kỳ nổi tiếng về dòng xe dẫn động bốn bánh. Tuy nhiên, khi thế hệ Patrol Y60 ra đời thì nó đã bán chạy như tôm tươi vì hệ thống treo nhíp cổ lỗ sĩ của LC 60 series không còn được ưa chuộng. Ngôi quán quân doanh số được giữ vững cho đến khi Toyota tung ra dòng LC 80 mới.

y60.png

Ngoài hệ thống khung treo, Patrol Y60 còn có các cải tiến khác về hệ thống đồng bộ số lùi, tiêu chuẩn trợ lực lái, hơn nữa ở một số mẫu wagon đã trang bị phanh đĩa trước, phanh sau vẫn giữ nguyên là phanh tang trống.

Hầu hết các mẫu xe đều có vi sai hạn chế trượt phía sau, một số biến thể lại có khóa vi sai cầu sau vận hành bằng điện từ hoặc chân không. Cơ chế nhả thanh lắc phía sau cũng xuất hiện trên một số mẫu xe, trong khi một số khác lại có tời gắn phía trước điều khiển bằng điện, cần điều khiển trong cabin ở bên phải cần số.

y60-interior.png

Cũng trong thế hệ này, phiên bản TD42 và TB42 đều có các tùy chọn hộp số sàn 5 cấp hoặc hộp số tự động 4 cấp. Chưa kể một số đại lý còn trang bị thêm cho xe giá nóc, tăng áp… trước khi về tay khách hàng. Trên thị trường còn xuất hiện phiên bản chuyên dành cho các giải đua địa hình với thân hình nhỏ gọn hơn, nhẹ hơn tận 50kg so với bản thương mại.

Anh em cũng lưu ý là bản TD42 được sản xuất từ tháng 8 năm 1993 trở đi là bản nâng cấp có trọng lượng nhỏ hơn để tăng tốc độ động cơ và giảm mức tiêu thụ nhiên liệu, tuy nhiên động cơ cũng có phần yếu hơn qua việc thay đổi này.

td42.png

Trong khi các phiên bản như TB42, RD28T hay gặp lỗi về miếng đệm xy lanh máy làm nặng chân khi lái, hay hộp số năm cấp bị hỏng ổ trục bánh răng ở cấp thứ 5 sau một khoảng thời gian sử dụng, thì bản TD42 lại không gặp các lỗi này. Còn các lỗi như rỉ sét khung cửa sau hoặc nứt bản lề cửa sau do trọng lượng của lốp dự phòng do độ rung khi vận hành của xe khá nổi tiếng.

Trong khoảng thời gian từ 1988-1994, dựa trên dự án kế hoạch Button của chính phủ Úc thì Ford đã hợp tác với Nissan để thương mại Patrol với tên gọi Ford Maverick, về cơ bản thì cũng không khác gì lắm với bản gốc, ngoại trừ các yếu tố về trang trí, màu sơn, các phiên bản của Ford chỉ trang bị phanh tang trống, không có phanh đĩa.

Thế hệ thứ năm - Patrol Y61 (1997)

Thế hệ này chỉ có một tên gọi khác là Nissan Safari tại Nhật thôi, còn mã của nó thì là GR cho tay lái thuận, hay là GU cho bản tay lái nghịch.

Patrol Y61 có một thân hình thiết kế tròn trịa hơn và kích thước cũng to lớn hơn so với phiên bản tiền nhiệm, với mặt tản nhiệt chữ “v” to hơn. Thế hệ Y61 có tuổi thọ rất ấn tượng, đến tận ngày nay nó vẫn còn được sản xuất và phục vụ cho các đơn vị liên hiệp quốc, quân sự, hoặc chính phủ, chủ yếu là dùng vào việc hộ tống, chở các quan chức hay tuần tra hành lang.

y61.png

Về trang bị động cơ thì thế hệ này có các phiên bản xăng 4.5L, 4.8L, động cơ tăng áp dầu diesel 2.8, 3.0, 4.2L, và biến thể động cơ diesel tăng áp intercooler 4.2L. Trong các phiên bản về động cơ thì dòng động cơ TB48DE rất nổi tiếng ở Trung Đông, đặc biệt là tại UAE, người ta đã tinh chỉnh và đẩy nó lên tới sức mạnh 2000 mã lực, một sức mạnh khủng khiếp nhằm chinh phục các đồi cát sa mạc.

Hệ thống truyền động được thay đổi với các khớp CV lớn hơn, cụm vi sai cũng thiết kế lớn hơn để phù hợp với kích thước của xe.

Và vì kích thước xe lớn hơn so với Y60 nên thế hệ Patrol Y61 cũng có không gian nội thất rất thoải mái, độ đầm chắc, cách âm tốt.

Đến năm 2016, Nissan Patrol Y61 gần như giảm mức sản xuất đến tối thiểu không còn được bán rộng rãi trên toàn cầu, thực tế là ở Nhật đã dừng thương mại Nissan Safari từ năm 2005. Mặc dù vậy, nó vẫn được sản xuất phục vụ cho các mục đích đặc biệt, thậm chí nó còn các các phiên bản khác nhau với các tên gọi “uy tín” như là phiên bản the President, phiên bản 4XPro, phiên bản The Legend, phiên bản Falcon, The 'Special' Super Safari, Gazelle, Gazelle Storm và Gazelle X.

gazel-falcon.jpg

Với những thông tin này thì chúng ta cũng thấy Nissan Patrol Y61 ngày nay vẫn tiếp tục được bán nhỏ lẻ song song với Nissan Patrol thế hệ thứ 6, Y62

Thế hệ thứ sáu - Patrol Y62 (2010)

Nissan Patrol thế hệ thứ 6, Y62, được ra mắt tại Abu Dhabi (một thành phố lớn thuộc UAE), thế hệ này nhắm vào phân khúc hạng sang, và nó cũng được tinh chỉnh để bán cho giới nhà giàu với thương hiệu Infinity, tên gọi của nó là Infinity QX56 (năm 2013 đổi tên thành QX80).

y62.png

Tại thị trường Bắc Mỹ thì Patrol Y62 cũng được thay thế cho Nissan Armada thế hệ đầu, và đương nhiên người ta gọi nó là Nissan Armada.

armada.png

Một điểm khác biệt, thậm chí là đối với các hãng xe khác khi nhắc đến dòng xe sang thế hệ mới, thì Nissan Patrol không dùng động cơ diesel, các phiên bản đều dùng động cơ xăng bao gồm 4.0L V6 và 5.6L V8.

Ngày nay, chúng ta thấy có nhiều xe phổ thông trang bị cụm nút điều khiển tròn ngay cạnh vị trí cần số có lẽ cũng không còn xa lạ nữa, nhưng ở thời điểm Nissan Patrol Y62 ra mắt, nó là chiếc xe đầu tiên được trang bị thiết kế như vậy.

y62-interior.png

Chưa kể nó còn có cả các chế độ lái trên các địa hình khác nhau như trên cát, trên tuyết, đá, hay đường trường, kích hoạt khóa vi sai cầu sau, bật tắt cân bằng động, hỗ trợ đổ đèo. Y62 cũng chứng kiến những thay đổi lớn đối với hệ thống treo bằng sự xuất hiện của hệ thống kiểm soát chuyển động thân xe thủy lực, hệ thống treo độc lập bốn bánh với các buồng thủy lực trong mỗi bộ giảm xóc để tự động điều khiển hoạt động của hệ thống treo.

Kể từ năm 2017, tất cả các dòng xe Nissan Patrol đều chuyển sang hộp số 7 cấp tự động thay cho hộp số 5 cấp tự dộng hoặc 6 cấp số sàn trước đó.

Nissan cũng giới thiệu một phiên bản hiếm Patrol Black Special Edition chỉ sản xuất 200 chiếc để bán ra thị trường, toàn thân xe màu đen với các chi tiết điểm xuyết mạ chrome, nội thất đỏ đen.

blackedition.png

Các phiên bản chỉnh sửa mới hơn hiện nay không có thay đổi về cơ khí, chỉ có vài chỉnh sửa nhỏ về mặt thiết kế và bổ sung công nghệ Nissan's Intelligent Mobility như hỗ trợ giữ làn đường, cảnh báo va chạm phía trước, phanh khẩn cấp tự động cho phía trước và phía sau, cảnh báo phương tiện cắt ngang phía sau và giám sát điểm mù.

Nếu như Land Cruiser, Mitsubishi Pajero là hai dòng xe khá phổ biến tại Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung, thì Nissan Patrol lại tương đối hiếm vì đặc tính lịch sử của nó, và tất nhiên nó là dòng xe cũng rất đặc biệt với khả năng chinh phục mọi loại địa hình. Nếu như ngày nay các đối thủ đồng hương cùng phân khúc lần lượt rời (hay sắp rời) khỏi sân khấu thì Nissan Patrol vẫn là mẫu xe duy nhất còn thương mại trên thị trường.

(Tổng hợp)

Chia sẻ
Tags

Có thể bạn quan tâm